Rất bức xúc khi đọc một loạt bài trên báo về vụ sinh viên trường đại học Kinh doanh – Công nghệ Hà Nội vừa bị giết chưa nguôi nỗi đau thì ngay sau đó nhà trường tổ chức một cuộc thi sắc đẹp một cách linh đình vui vẻ.
Chiều 19-12, sinh viên Vũ Ngọc Cương, lớp trưởng lớp Kiến trúc K15 Trường ĐH Kinh doanh – Công nghệ Hà Nội chỉ vì bị quy là “nhìn đểu” mà một nhóm sinh viên cùng trường đâm chết Cương tại cửa lớp. Sự đau buồn, nỗi bất an chưa kịp nguôi thì chỉ 2 ngày sau, ngày 21-12, trường này đã tưng bừng tổ chức cuộc thi Duyên dáng kinh doanh (Miss Kinh doanh và công nghệ).
Lạnh lùng
Nhiều bạn đọc mỉa mai: “Chắc trường này tổ chức cuộc thi Duyên dáng kinh doanh để “lấp” những hành vi dã man, côn đồ từng diễn ra tại đây. Trong khi cùng thời gian này chắc thi thể của Cương cũng chưa được chôn, gia đình, bạn bè của Cương đang chìm trong đau thương mất mát”.
Một bạn đọc là sinh viên của trường cho biết: xem cuộc thi nhìn thấy người đẹp quần áo lượt là trình diễn trên sân khấu trong khi dấu tích của cuộc giết người dã man vẫn còn hiển hiện ở trường cứ thấy bất nhẫn thế nào. Nhìn khán giả reo hò cổ cũ cho cuộc thi trong khi gia đình của bạn mình đang khóc thương hết nước mắt cho sự ra đi của con trai mình thật chẳng biết nhà trường nghĩ gì nữa ?”.
Bạn đọc Nguyễn Tuấn, so sánh: “Như thế này thì người Mỹ quá giàu tình cảm và thua xa các vị về mức độ lạnh lùng. Sau vụ thảm sát học sinh tiểu học tại Mỹ, tất cả các nơi vui chơi giải trí đều tạm nghỉ một ngày để tưởng niệm người đã khuất, thậm chí những bộ phim chuẩn bị công chiếu cũng phải hoãn lại. Còn các vị ngay tại nơi nạn nhân gục xuống,vẫn cứ tiếp tục thi sắc đẹp ?! Lường trước được sự phản ứng của dư luận, mà vẫn tiến hành thì quả thật không ai lạnh lùng bằng quý vị có trách nhiệm ở trường này”.
Bạn đọc Minh Anh, nói thẳng: “Ai cũng biết trường đại học là những địa chỉ văn hoá, vì thế mọi việc ứng xử phải rất có văn hoá. Ấy vậy mà sinh viên của trường vừa bị đâm chết trong lớp học – một cái chết rất thương tâm gây chấn động khắp cả nước mà trường vẫn cho tổ chức thi hoa khôi, người đẹp. Việc sinh viên Cương bị đâm chết trong giờ học ngay trong trường thì lãnh đạo nhà trường phải coi đây là cái tang lớn của trường và mọi hoạt động văn nghệ, vui chơi nên tạm dừng. Thế mà Đoàn Thanh niên vẫn hào hứng thi duyên dáng, hoa khôi… thì quá là vô cảm, nhẫn tâm với người đã mất, là sự trêu ngươi với tang quyến của sinh viên Cương. Văn hóa ứng xử là thế này ư?”.
Ngụy biện
Trước ý kiến của ông Vũ Văn Hóa, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh – Công nghệ Hà Nội: “Sự kiện thì có vui, có buồn và xảy ra liên tục, chúng ta không chờ đợi được đến hết buồn rồi mới được vui vì mấy chục ngàn sinh viên đang chờ đợi cuộc thi”, bạn đọc Tô Ti, phản ứng: “Lời giải thích của Thầy hiệu trưởng nghe không ổn, có âm hưởng ngụy biện. Thật sự hoàn toàn có thể hoãn lại một thời gian ngắn nếu nhà trường có tâm”.
Bạn đọc tên Samurai, cho biết: “Nghe cách trả lời của ông hiệu trưởng thật là vô cảm. Một sinh viên của mình vừa bị giết trong chính ngôi trường của mình mà thầy hiệu trưởng trả lời như mình vô can trong chuyện này? Trường học là nơi đào tạo tri thức cho sinh viên chứ không phải là nơi để thi hoa khôi, hoa hậu? Trường học nên để xã hội nhắc nhở về thành tích học tập hơn là nhan sắc của sinh viên”.
Cuộc thi Miss Kinh doanh và công nghệ vẫn tưng bừng được tổ chức 2 ngày
sau cái chết của sinh viên Vũ Ngọc Cương.
Bức xúc hơn, bạn đọc Phạm Trần Khoa, phân tích: “Những ngọn nến tưởng nhớ người đã mất chưa kịp cháy lên, những bông hoa tang chưa kịp khô tàn thì cuộc “vui” đêm hội tụ những tài năng kinh doanh đã rộn lên những tiếng cười giòn tan, rộn rã. Tôi không lạ trước cách lý giải của ông Vũ Văn Hóa, hiệu trưởng trường DH Kinh Doanh-Công Nghệ Hà Nội. Đúng là ông đang chăm lo cái vui của hàng ngàn sinh viên hơn là một nỗi buồn dường như chỉ thoáng qua. Với ông, cái buồn ấy cũng chỉ là bình thường như hàng trăm cái buồn khác trong xã hội này, nó ví như cái buồn đời thường nhất, vì nó “xảy ra liên tục” nên không có lý gì mà “hoãn sự sung sướng” lại được!
Bạn đọc này cho biết thêm: “Đọc đến đây tôi chợt thấy buồn, buồn trước sự vô cảm của một bộ phận những người làm văn hóa trong xã hội. Phải chăng vì cuộc sống này quá nhiều âu lo, nhiều giá trị tinh thần đã bị giá trị vật chất khỏa lấp nên tình người càng xuống dốc? Mong ông hiệu trưởng trước khi phát ngôn hãy đặt vị trí của mình vào hoàn cảnh của gia đình em Cương để đừng thốt ra những lời có thể làm đau lòng người khác. Hãy cầu thị, xin đừng cố chấp. Mong lắm thay!”.
Gieo tư duy xấu cho sinh viên
“Vô cảm, vô tâm đã bám rễ sâu vào xã hội, càn quét cả vào môi trường giáo dục con người! Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích về vụ việc này” – bạn đọc Anh Hao.
“Tất cả mọi giải thích đều là nguỵ biện. Chỉ có hành động thể hiện tư tưởng nhân văn và tình người mới chứng minh lòng thật. Đừng lấp liếm cho cách ứng xử lạnh lùng, vô cảm của mình vì sự việc này nó sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, cách ứng xử của hàng ngàn sinh viên đang theo học tại trường. Có thể họ sẽ nghĩ đây là việc bình thường và tiếp tục có cách ứng xử tương tự. Như thế là vô tình trường đã gieo tư duy xấu cho chính sinh viên của mình” – Bạn đọc Trần Lâm.Trên báo TN cũng lên án gay gắt hành động hết sức vô cảm này!
“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Đó là điều đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người Việt. Một câu tục ngữ chế “Một con ngựa đau cả tàu được thêm cỏ” được đề cập trong sách “Sát thủ đầu mưng mủ” còn khiến xã hội phản bác “nảy lửa”.
Ấy vậy, trước sự “ra đi” của một đoàn viên – sinh viên, Đoàn trường và Hội sinh viên trường vẫn tổ chức “Duyên dáng kinh doanh 2012” nhằm tôn vinh vẻ đẹp ngoại hình, tri thức và tâm hồn của sinh viên.
Một lần nữa cư dân mạng và dư luận xã hội lại “dậy sóng” có nhất thiết phải tổ chức cuộc thi ngay khi sinh viên của trường người mất mạng, kẻ vướng vòng lao lý; khi sân chơi tài sắc sinh viên thoáng hơn về thời gian tổ chức, không còn bó hẹp vào những dịp kỷ niệm thành lập trường, 20-10, 8-3 hay 20-11 như trước đây!?
Trong đêm diễn ra cuộc thi (20-12), anh Trần Hữu Hạnh, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ, trưởng ban tổ chức cuộc thi giải thích: nhà trường mong muốn thông qua cuộc thi này gửi gắm một thông điệp tới tất cả sinh viên đó là hãy xây dựng một môi trường học tập lãnh mạnh, biết đấu tranh, phản ứng trước cái xấu.
Chẳng biết cuộc thi lan tỏa được nét đẹp đến đâu, sau cuộc thi những hình ảnh các thí sinh xuất hiện trên internet với vài cụm từ mỹ miều “Lộng lẫy đêm chung kết”; “Lộ diện Hoa khôi xinh đẹp”… Nhưng phần lớn đều gắn với sự việc “không mong muốn” như “Sinh viên bị đâm chết”, “Lớp trưởng bị sát hại”…
Trên Cộng đồng sinh viên HUBT trang Facebook, nhiều “like” dành cho bình luận “không biết có một phút mặc niệm cho bạn trẻ xấu số”; hay “Chưa gì đã thi Miss”… Thậm chí chủ đề “Sinh viên bị đâm chết, trường vẫn tổ chức thi Hoa khôi” đã được lập trên một số diễn đàn online.
Nhiều bình luận thắc mắc về vai trò và cách xử lý chưa thấu tình đạt lý của ban tổ chức, nhà trường. Tiepleducvr3 viết: “Xảy ra vụ án mạng ngay trên giảng đường nên dừng lại các cuộc thi vui chơi giải trí mang tính bề nổi và có tính truyền thông cao. Trường vừa lên báo vụ giết người, giờ lại lên báo vui chơi, vui nổ trời này nọ thì thật không ra làm sao…”.
Đã đành người xấu số đã đi xa, dù chúng ta có làm gì đi nữa cũng không thay đổi được thực tế đó. Đã đành người chết cũng đã chết, việc cần làm theo kế hoạch vẫn phải làm.
Nhưng, vấn đề ở đây là người thực hiện chương trình “Duyên dáng kinh doanh 2012” vẫn còn nhiều cách xử lý khác. Thế nhưng họ đã chọn tổ chức chương trình “vui vẻ” ngay sau cái chết của “người nhà”!
Chắc chắn câu chuyện không chỉ dừng tại đây, thiết nghĩ, với tầm cỡ một trường đại học như vậy, lại có kiểu ứng xử rất chi là vô cảm, lạnh lùng và ngụy biện như vậy! Thật đau lòng cho gia đình và bạn bè nạn nhân!
Chuyện chỉ có ở Việt Nam: Đám ma và Hoa khôi
0 nhận xét: